Thưa
Anh Chị Em Áo Lam,
Trong sinh hoạt tập thể, kỵ nhất là những cuộc tranh chấp và cãi cọ không
do cái chung, vì cái chung mà vì thái độ cố chấp của mỗi chúng ta. Cố chấp
là chỉ thấy quan điểm của mình là đúng, chủ trương của mình là hay còn của
người khác là sai, dở… cho nên Phật mới nói kiến thủ là trở ngại lớn nhất
trên con đường tu học.
Kiến thủ là gì? _ Kiến là nhận thức, là quan điểm. Thủ là nắm giữ, cố chấp.
Vậy kiến thủ là cố chấp vào một nhận thức, quan điểm. Cho nên nói cố chấp
là bị kẹt; vì bị kẹt nên cánh cửa chân lý không có cơ hội mở ra cho những
ai cố chấp.
Đức
Phật soi sáng ý nghĩa tai hại của sự cố chấp bằng chuyện kể như sau: có anh
chàng thương gia góa vợ kia, sống với đứa con trai duy nhất của mình; anh
ta cưng quí đứa con và coi như đó là lẽ sống của mình. Một ngày kia khi anh
ta đi công việc bên ngoài, ở nhà kẻ cướp đến đốt làng phá xóm, cướp bóc
xong bắt đứa con của anh ta đi theo. Khi về tới nhà, anh ta thấy thi thể
một em bé cháy đen nằm bên căn nhà cháy rụi của mình. Anh ta tin ngay rằng
con trai mình đã chết, anh ta khóc than thảm thiết rồi đem hỏa táng và cất
giữ tro vào một cái túi gấm, đi đâu cũng mang theo bên mình. Mấy tháng sau,
đứa con của anh trốn được khỏi tay bọn cướp chạy về nhà lúc nửa đêm, gỏ cửa
đòi vào nhà. Người cha lúc ấy đang ôm chiếc túi gấm than khóc một mình, không
chịu đứng dậy ra mở cửa; anh ta tin rằng con anh ta đã chết thật rồi còn
đứa trẻ đang gỏ cửa đó là một đứa bé nào đó muốn chọc phá anh; vì vậy mà
đứa con thật của anh phải ra đi và người cha tội nghiệp kia vĩnh viễn mất
đứa con thật của mình!
Thưa Anh Chị Em,
Cũng vậy! nếu chúng ta cố chấp vào
một ý kiến nào đó, một quan điểm, một chủ trương hay một lý thuyết nào đó,
mà không mở cửa lòng mình ra để đón nhận chân lý vì ta có cảm tưởng rằng ta
không cần đi tìm chân lý nữa, ta đã có chân lý rồi! Lúc ấy dù chân lý có
đến gõ cửa tìm ta, ta cũng từ chối không mở cửa !
Ngày xưa, đức Phật phải đi tìm chân lý, phải hỏi Đạo với các bậc đạo sư
trong núi tuyết, rừng sâu, phải tham thiền nhập định 49 ngày … còn ngày nay
người Phật tử chúng ta đã có những giáo lý dẫn đến chân lý, đó là giáo lý
Duyên Khởi, Tứ Đế , Ngũ Uẩn, v.v.. Chúng ta chỉ việc nghe hiểu, học và thực
tập quán chiếu để tự chứng nghiệm … Vậy mà trong khi tu học, hội họp, chúng
ta vẫn mang trong mình những thành kiến, cố chấp để rồi đi đến tranh cãi
mãi không dứt làm mất thì giờ và làm sứt mẻ tình cảm giữa những người đồng
đạo, cùng lý tưởng, những người con Phật, muốn tu học và tu tập, noi gương
đức Phật sống đời tự do giải thoát khỏi đau khổ phiền não. Ngoài ra, như
chúng ta đã biết, bản chất của các sự vật, hiện tượng là vô thường nên
những kinh nghiệm mà chúng ta tích lũy về con người về sự việc cũng vô
thường, nó phải chuyển biến và phát triễn theo sự tiến hoá của những định
luật của tự nhiên hay của tâm thức v.v.. Vì vậy, chúng ta phải loại bỏ
thành kiến, cố chấp; học quán chiếu vô ngã trong tất cả mọi sự vật, hiện
tượng … tập bao dung nhìn cuộc đời, con người, có như vậy thì mới tiếp cận
với trí tuệ giải thoát được.
Kính chào tinh tấn!
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét