“LUẬT” CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
Kính thưa quý anh chị,
Cùng các em thân mến.
Mỗi tuần quỳ dưới đài sen, chúng ta thường
dõng dạc đọc theo vị chủ lễ 5 điều luật của Huynh trưởng và ngành Thanh,
Thiếu. Mỗi câu mỗi chữ đều là Pháp tạng, là Nội Qui Gia Đình Phật Tử, là
những điều khuyến tấn, nhắc nhở các thành viên áo Lam phải chuyên cần tu
sửa, phải điều chỉnh được tâm ý và hành động của mình. Vì đây là 5 điều
“LUẬT” nên nhất định chúng ta phải tuân thủ thực hiện cho bằng được, nếu cứ
vi phạm “Luật” hoài thì bản thân huynh trưởng không những càng rời xa
con đường Đạo, càng gây phiền não tự mình thay vì đem an vui đến mọi người,
mà còn là những tấm gương mờ tối không thể soi hình làm mất tin tưởng và sự
kính trọng nơi đàn em.
Ở bất cứ hoàn cảnh nào, xã hội nào, chữ
TÍN rất là quan trọng trong việc đối nhân xử thế, trong giao dịch làm ăn;
nó còn rất quan trọng hơn ở những người trưởng thành, những người thành
nhân, vì ở tư thế đàn anh, đàn chị, làm cha, làm mẹ mà thất tín, thất hứa
với những người dưới mình thì quả thật chúng ta làm mất luôn chỗ nương cậy
vững chắc về tinh thần của số đông, chiếu theo “Luật” thì ta đã không trong
sạch từ lời nói đến việc làm!
Tính cách tôn trọng lời hứa, từ tuân thủ
đến tuân thủ triệt để kỷ luật đoàn thể phải được thử thách, trui rèn từ
ngành Thiếu. Sống có lý tưởng xả kỷ vị tha thì phải sống có ý thức và ý tứ
gây được sự tin tưởng với mọi người chung quanh, đến khi làm đội, chúng
trưởng; đoàn trưởng, đoàn phó thì ta có nhiều cơ hội để nhận thử thách từ
phía đoàn sinh. Chúng ta chỉ nên nói những gì mà chúng ta làm được; chúng
ta chỉ quyết định những gì mà chúng ta đã hội ý, cân nhắc và thăm dò khả
năng phía đối tượng thực hiện, đừng để chỉ nói hảo, hứa suông; đừng để một
quyết định phát ra phải bị thu hồi – nếu sai trái mà bị thu hồi ta phải
nhanh chóng hối ngộ vì nhận ra tác hại lan rộng của nó và việc hành xử vượt
qui tắc của mình để lấy đó làm kinh nghiệm. Cái khôn ngoan của một người
cầm đoàn, đội chúng là biết tránh các “vết xe đổ” của người trước để lại,
làm kinh nghiệm bản thân người đi sau khỏi bị vấp phải.
Thời kỳ chúng tôi sinh hoạt ngành Thiếu,
anh Đoàn trưởng hẹn với đội 6 người chúng tôi có mặt ở bến xe Quy Nhơn đúng
7 giờ sáng để làm công tác ở Huyện Hoài Nhơn, Chúng tôi có 2 thiếu nam tới
lúc 7 giờ kém 05. Đúng 7 giờ anh đoàn trưởng mua 3 vé xe và xe chuyển bánh
lúc 7:10’. Các Thiếu Nam trễ hẹn đều bị anh bỏ lại một cách “lạnh lùng”,
lúc đó hai đứa tôi cũng thấy buồn anh lắm vì sẽ mất vui nhưng anh nghiêm
chỉnh nói với chúng tôi rằng các em có quyền chọn lựa giữa tính cách được
rèn luyện ngay từ lúc này hay được vui chung mà sống bê tha mất kiểm soát.
Sau này anh là người thành công trong xã hội; người bạn tôi thành công
trong quân đội – hai người đều bỏ Gia Đình Phật Tử từ lâu, riêng tôi 36 năm
sau vẫn còn đây nhưng vẫn thấy cách anh rèn luyện và trọng thị chúng tôi
rất là thực tế và ấn tượng.
Nếu như các anh chị đã làm cha, làm mẹ có
khi nào đã thất hứa với con cái mình chưa! Nhìn nét mặt buồn rầu và những
giọt nước mắt con trẻ thất vọng lăn trên gò má bầu bĩnh ngây thơ của
chúng rồi sẽ qua, chúng sẽ vui cười trở lại, nhưng anh chị có biết mình
đang phạm một lỗi lầm nghiêm trọng không! Thất hứa – thất tín, tự mình đã
làm hư hại cái tố chất hình thành nhân cách của trẻ thơ và làm chúng
không tin tưởng chắc thật vào cha mẹ mình và sau này chúng sẵn sàng thất
hứa, thất tín với nhiều người nữa. Quý anh chị có biết điều 1 của Luật
Hướng Đạo xác quyết rằng: “Hướng đạo sinh trọng danh dự, ai cũng có thể tin
được lời nói của hướng đạo sinh.” Tức là lời nói thật của những đoàn viên
Hướng Đạo không! Và cho đến nay đại đa số vẫn tin tưởng Hướng đạo sinh
vì lời hứa ấy – mặc dù ở đâu cũng vậy, đoàn thể nào cũng có những người
thất hứa nhưng mình đã hứa được thì phải làm cho được – đó là danh dự của
đoàn thể, của hiệu kỳ tổ chức và của niềm tin bao thế hệ đàn em đặt hết lên
lương tri, tâm huyết của những huynh trưởng Gia Đình Phật Tử chúng ta.
Chào thân mến!
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét