photo signature_2-1_zps09dfa1cf.gif

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ NGƯỜI ỦY VIÊN BAN HƯỚNG DẪN CẤP TỈNH THÀNH

BÀI THUYẾT TRÌNH CHỦ ĐỀ:
CHỨC NĂNG,NHIỆM VỤ,TRÁCH NHIỆM,TƯ CÁCH TÁC PHONG
CỦA NGƯỜI ỦY VIÊN BAN HƯỚNG DẨN PHÂN BAN GĐPT
CẤP TỈNH, THÀNH PHỐ.
          
Kính thưa quý Anh Chị!
           Được sự thống nhất của Ban Tổ Chức cuộc Hội thảo, cho phép tôi cùng chia sẻ, trao đổi thảo luận với quý Anh Chị chủ đề: CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TRÁCH NHIỆM, TƯ CÁCH TÁC PHONG CỦA NGƯỜI ỦY VIÊN BAN HƯỚNG DẨN CẤP TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG.
              Thời gian thuyết trình 0 giờ 45 phút, thảo luận 01 giờ 00 phút, giải lao 15 phút.
          
I.- DẨN NHẬP
           Một tổ chức nào cũng cần có một bộ phận đầu não chịu trách nhiệm quản lý điều hành và làm cho các hoạt động của cơ cấu bên dưới được hòa hợp, điều đặn, nhịp nhàng để hoàn thành mục đích chung.
          
Bộ phận đầu não đó tùy theo tính chất của tổ chức mà có nhiều tên gọi khác nhau, phản ánh mối quan hệ cấp trên, cấp dưới và cách thức làm việc của tổ chức theo một hệ thống được định sẳn. Do đó Quân Đội luôn là một hệ thống chỉ huy, Chính Quyền là hệ thống lảnh đạo, các tổ chức xã hội thường là hệ thống điều hành. Nhưng đặc biệt chỉ có tổ chức Gia Đình Phật Tử là thuộc hệ thống khác: đó là hệ thống Hướng Dẫn.
          
Với cách dùng từ ngữ Hướng dẫn, chúng ta dể dàng nhận thấy có sự gần gủi, thân thiện, gắn bó và bình đẳng trong một tôn ty trật tự rất riêng, rất khiêm cung tôn trọng với nhau của tổ chức Gia Đình Phật Tử, một tổ chức mà tên gọi không thôi cũng đủ nói lên cái cung cách hành xử của các thành viên với nhau; bởi vì nếu trong hệ thống chỉ huy người ta dùng mệnh lệnh, trong hệ thống lảnh đạo người ta dùng chức quyền, trong hệ thống điều hành người ta dùng vị trí trách nhiệm thì trong hệ thống hướng dẫn mặc dù vẫn có yếu tố chỉ huy, lãnh đạo và điều hành nhưng những người lãnh đạo của hệ thống nầy vẫn không thể áp đặt các thành viên hoặc các cơ cấu bên dưới nghe theo mình bằng mệnh lệnh, bằng chức quyền hay bằng vị trí trách nhiệm được giao mà chỉ có thể bằng chính năng lực thực tài của mình thông qua những hoạt động trong lãnh vực mà mình phụ trách và qua đó hướng dẫn những người khác làm theo mình.
           Đối với GĐPT thì bộ phận đầu não nầy được gọi là Ban Hướng Dẫn (BHD), đây là Ban Hướng Dẫn Phân Ban Gia Đình Phật Tử thuộc hệ thống Ban Hướng Dẫn Phật Tử của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Ban Hướng Dẩn Phân Ban nầy có nhiều thành viên làm việc chung với nhau, mỗi người chuyên trách một mãng chuyên môn theo năng lực sở trường của mình và chịu trách nhiệm trước tập thể Ban Hướng Dẫn, những người nầy gọi là các Ủy Viên, có Ủy Viên Ngành và Ủy Viên chuyên môn. Muốn cho công việc chung được trôi chảy thì các ủy viên phải lên kế hoạch hoạt động của mình trong một năm, trong 03 tháng hoặc 06 tháng để bộ phận Thường Trực Ban Hướng Dẫn tổng hợp thành chương trình hoạt động chung của toàn Ban Hướng Dẫn, đồng thời người ủy viên phải viết báo cáo về những hoạt động đã đặt ra trong dự án làm việc của mình mỗi khi kết thúc dự án.
          
Muốn gánh vác được vai trò và nhiệm vụ của người Ủy viên Ban Hướng Dẫn Tỉnh, cần phải nâng cao hơn trình độ tu học, hiểu biết khả năng chuyên môn, tư cách tác phong phải được thực hiện tốt hơn. Để thực hiện được nhiệm vụ nầy có hiệu quả thì trước hết các Anh Chị phải lấy chính bản thân mình làm đối tượng giáo dục, lấy chính cuộc sống của mình, từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ hành động của mình đối với gia đình, họ hàng, bà con lối xóm để làm gương cho các em noi theo.

II.-  TỔ CHỨC – ĐIỀU HÀNH – QUẢN LÝ  GĐPT TỈNH, THÀNH PHỐ;
1/  KHÁI NIỆM VỀ TỔ CHỨC, ĐIỀU HÀNH QUẢN LÝ:

·       Tổ chức là sắp xếp bố trí con người hay công việc một cách có kế hoạch, thứ lớp để thực hiện một hoạt động nào đó hướng đến mục tiêu đã định.

·       Điều hành là làm cho một bộ máy, một công việc hay trông coi hướng dẫn vận động một tập thể nhiều người của một tổ chức hoạt động, thực hiện một công việc theo hướng dự định trước.

·       Quản lý hay  quản trị là xếp đặt, trông nôm, theo dõi giải quyết công việc hàng ngày, giữ gìn bảo quản tài sản và các điều kiện vật chất cần thiết cho một cơ quan, đơn vị, xí nghiệp hay đoàn thể được an toàn thông suốt và đạt kết quả tốt.

Như vậy tổ chức điều hành quản lý bao gồm nhiều phương diện như: Cơ cấu nhân sự (con người) hành chánh (phương tiện cần để thực hiện việc điều hành quản lý), tài chánh, cơ sở vật chất (điều kiện vật chất) và hoạt động (công việc).

2/ NHỮNG NGUYÊN TẮC CĂN BẢN:

          Căn cứ vào chương III, Điều 13, mục B Nội Quy GĐPT thuộc Ban Hướng Dẩn Phật Tử Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (ban hành theo quyết định số 045/QĐ/HĐTS ngày 29/01/2002 của Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam) quy định cơ cấu thành phần nhân sự và nhiệm vụ. Chúng ta có thể rút ra những nguyên tắc căn bản trong việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức, quản lý GĐPT Tỉnh, Thành.

a/  Tập thể lãnh đạo – cá nhân phụ trách:
         
Trong Nội Quy GĐPT chỉ ghi một cách tổng quát về nhiệm vụ của Ban Hướng Dẫn nhưng qua đây cũng có thể cho thấy hoạt động của BHD có nhiều lãnh vực, đa dạng và phức hợp nên không thể chỉ một cá nhân hay vài người có thể thực hiện được.
          Trưởng Ban Hướng Dẩn Phân Ban GĐPT Tỉnh,Thành, chỉ là người phụ trách quán xuyến điều hành và chịu trách nhiệm chung về các công việc sau khi đã thống nhất ý kiến với toàn Ban Hướng Dẩn và sau khi đã kết thúc công việc, toàn Ban Hướng Dẩn sẽ nhận định đánh giá kết luận về kết quả của công việc ấy. Chế độ làm việc của GĐPT là tính dân chủ, đoàn kết, trí tuệ đặt dưới quyền quyết định của tập thể đại diện giải quyết các công việc liên quan đến tổ chức theo tinh thần Lục Hòa. Đó chính là ý nghĩa của “Nguyên tắc tập thể lãnh đạo”.
Quyền hành và nhiệm vụ của cá nhân, đã được tập thể phân công phụ trách thực thi những quyết định của tập thể, được quyền ứng biến và chịu trách nhiệm trước tập thể.Việc thực hiện công việc là nhiệm vụ chính của từng Ủy Viên hay nhóm Ủy Viên có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình phụ trách sau khi có quyết nghị của toàn Ban Hướng Dẩn hay được Trưởng Ban (hoặc các Phó Trưởng Ban) giao phó và phải chịu trách nhiệm trước tập thể Ban Hướng Dẫn hay Trưởng Ban Hướng Dẫn. Đó ý nghĩa của nguyên tắc “Cá nhân phụ trách”.

b/  Phương thức thực hiện:
         
          Muốn thực hiện một công việc (hay một dự án, một kế hoạch …) các Ủy Viên hay nhóm Ủy Viên sẽ tiến hành thực hiện theo các bước cơ bản:
·       Xây dựng và trình bày dự án (kế hoạch) – Tập thể BHD (Ban Thường Trực) thống nhất ý kiến (biểu quyết lấy ý kiến đa số).
·       Trong thời gian tổ chức thực hiện (Có tiếp thu ý kiến chỉ đạo và phối hợp) – Báo cáo kết quả (Có văn bản hoặc trình bày trước hội nghị BHD).
·       Họp Ban Hướng Dẩn (bộ phận Thường trực) Tập thể nhận xét đánh giá, kết luận và rút kinh nghiệm.

c/  Mỗi Ủy viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính tự chủ, hòa hợp và sáng tạo:
          Muốn các hoạt động của Ban Hướng Dẩn được thông suốt và đạt kết quả tốt theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo – cá nhân phụ trách, mỗi một Ủy viên BHD phải hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, am tường thể thức thực hiện đồng thời luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính tự giác hòa hợp và sáng tạo. Đó chính là những yếu tố cần thiết để hoạt động của BHD được trôi chảy và thành công, nâng cao sức mạnh sinh hoạt tu học của GĐPT toàn Tỉnh, Thành phố.
          3.-  VỀ CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ BAN HƯỚNG DẨN CẤP TỈNH:

          Tổ chức cơ cấu nhân sự là hoàn thành bộ phận vận hành một bộ máy, là động tác đầu tiên trong việc tổ chức điều hành quản lý một đoàn thể, một cơ quan, đơn vị.
Cần phải triển khai quán triệt cụ thể hơn về chức năng nhiệm vụ của từng thành viên Ban Hướng Dẩn. Huynh Trưởng nhận nhiệm vụ cần phải hiểu rõ trách nhiệm mình phải làm gì cho tổ chức, để tổ chức GĐPT càng ngày càng phát triển. Các bộ phận chuyên trách cần phải hổ trợ cho nhau một cách hợp lý để guồng máy của tổ chức GĐPT hoạt động một cách điều đặn nhịp nhàng. Phải thực sự đoàn kết thương yêu nhau trong tinh thần Lục Hòa.
Về cơ cấu tổ chức Gia Đình Phật Tử có 3 cấp: Cấp Trung ương, Cấp Tỉnh Thành và Cấp Gia Đình. Ngoài 3 cấp như quy định, thì còn có một cấp trung gian là: Tại Quận, Huyện, Thị Xã, Thành Phố của Tỉnh có một Ủy viên Đại diện Ban Hướng Dẩn Phân Ban GĐPT tại địa phương. (Trong nội dung đề tài nầy chỉ thảo luận ở Cấp Tỉnh Thành).
            
a/  Về tổ chức cấp Tỉnh Thành:
v  Cấp chịu trách nhiệm quản lý sinh hoạt, tu học của GĐPT các Tỉnh Thành là Ban Trị Sự Phật giáo Tỉnh, Thành hội tại địa phương.

v  Ban Hướng Dẩn Phật Tử Tỉnh,Thành hội chịu trách nhiệm trực tiếp trước Ban Trị Sự về việc quản lý điều hành sinh hoạt, tu học của GĐPT địa phương.

v  Phó Ban Hướng Dẫn Phật Tử  đặc trách GĐPT (Trưởng Ban Hướng Dẩn Phân Ban GĐPT Tỉnh) do Trưởng ban Hướng dẩn Phật tử Tỉnh, Thành hội lựa chọn và đề nghị Ban Thường Trực Ban Trị Sự Phật Giáo Tỉnh,Thành xét bổ nhiệm.

v  Thành phần nhân sự của Ban Hướng Dẫn Phân Ban GĐPT Tỉnh,Thành do Ban Hướng Dẫn Phật tử Tỉnh, Thành hội lựa chọn và trình Ban Thường trực Ban Trị Sự chuẩn y.

b/  Về nhân sự:
          Thành phần nhân sự theo Nội Quy đã ấn định, chúng ta có thể tách ra thành hai bộ phận: Chuyên trách về ngành và chuyên trách về chuyên môn.
          Trong thành phần nhân sự theo Nội Quy đã tu chỉnh, chúng ta thấy các Phó Phân Ban không ấn định nhiệm vụ chuyên trách, mà chỉ có các Ủy viên chuyên trách về ngành và chuyên môn.
          Thực tế hiện nay, BHD Phân Ban GĐPT Trung Ương cũng như các BHD Phân Ban GĐPT Tỉnh ,Thành đều có 03 Phó Phân Ban: 01 Phó Phân Ban Thường Trực, 02 Phó Phân Ban một Nam và một Nữ mỗi người chịu trách nhiệm về ngành của mình. Các Ủy viên chuyên trách ngành và các Ủy viên chuyên môn.

Bộ phận chuyên trách về ngành: Là bộ phận Quản trị ngành (Nam – Nữ) về mặt sinh  hoạt, riêng về các mặt khác thì có sự hỗ trợ của bộ phận chuyên môn. Bộ phận chuyên trách Ngành gồm có:

·       Hai Phó Phân Ban đảm trách ngành Nam – Nữ
·       Hai Ủy viên: Nam – Nữ Phật tử  (Ngành Thanh)
·       Hai Ủy viên:  Thiếu Nam – Thiếu Nữ  (Ngành Thiếu)
·       Hai Ủy viên:  Oanh vũ Nam – Oanh vũ Nữ  (Ngành Đồng)

Bộ phận chuyên trách về chuyên môn: Là bộ phận tham mưu kế hoạch, nhân sự, huấn luyện, kinh tế, tài chánh, từ thiện xã hội, văn hóa văn nghệ… để ngành phát triển đúng hướng và hiệu quả. Bộ phận chuyên trách chuyên môn gồm có:

·       Một Phó Phân Ban Thường trực                       
·       Chánh Thư ký – Phó Thư ký
·       Thủ Quỹ
·        Ủy viên Nội vụ
·        Ủy viên Tổ kiểm
·        Ủy viên Nghiên Huấn
·  Ủy viên Tu thư
·        Ủy viên Tài chánh
·        Ủy viên Văn nghệ
·        Ủy viên Hoạt động Thanh niên
·        Ủy viên Từ thiện xã hội

Trong thực tế các chức danh dưới đây thường được cơ cấu vào Ban Thường Trực BHD Phân Ban GĐPT Cấp Tỉnh, Thành:
-         Trưởng BHD Phân Ban và các Phó Phân Ban
-         Chánh Thư Ký và các Phó Thư Ký
-         Ủy viên Thủ Quỹ
-         Ủy viên Nội Vụ
-         Ủy viên Tổ Kiểm
-         Ủy viên Nghiên Huấn
Thông thường những thành viên Ban Thường Trực được cơ cấu theo số lẽ ( 07,09,11 thành viên) nhằm thuận tiện cho việc biểu quyết công việc của BHD được có tính tập thể, dân chủ và nhanh gọn không mất nhiều thời gian. (nguyên tắc tập thể lảnh đạo)

c/ Nhiệm vụ của BHD Phân Ban GĐPT Tỉnh, Thành Phố:
         
·       BHD Phân Ban GĐPT Tỉnh Thành có nhiệm vụ điều động, theo dõi, kiểm soát quản lý các hoạt động sinh hoạt, tu học của các GĐPT trực thuộc, thi hành các Phật sự của Hội Đồng Trị Sự GHPGVN, Ban Trị Sự Phật giáo Tỉnh và Ban Hướng Dẩn Phật tử Tỉnh, Thành hội.
·       Thành lập các đơn vị GĐPT mới.
·       Tổ chức các khóa tu học dài hạn cho Huynh trưởng: Bậc Kiên,Trì, Định, Lực và mở các khóa trại huấn luyện Huynh trưởng sơ cấp (Lộc Uyển), cấp I (A Dục), cấp II (Huyền Trang).Riêng bậc Lực BHD Tỉnh tổ chức tu học, BHD Trung Ương tổ chức thi khảo sát và cấp chứng chỉ.
·       Tổ chức xét cấp, xếp cấp và thọ cấp cho Huynh trưởng cấp Tập, cấp Tín.
·       Tổ chức sinh hoạt hè, các trại truyền thống (Dũng, Hạnh, Hiếu, Hiệp Kỵ…) các trại họp bạn toàn Tỉnh, các trại huấn luyện Đội, Chúng trưởng theo phương án hoạt động đã trình Ban Hướng Dẩn Phật Tử Tỉnh, Thành hội.
·       Quản thủ sách tịch Huynh trưởng, quản lý, cập nhật tình hình tu học và sự cống hiến của các Huynh trưởng GĐPT trực thuộc Tỉnh, Thành địa phương.
·       Báo cáo tình hình sinh hoạt tu học của GĐPT thuộc Tỉnh, Thành lên Ban Hướng Dẩn Phật Tử Tỉnh, Thành hội và BHD Phân Ban GĐPT Trung Ương 06 tháng một lần.

4/ SỰ PHÂN CÔNG PHÂN NHIỆM CHO MỖI ỦY VIÊN TRONG BHD PHÂN BAN GĐPT TỈNH, THÀNH:

4.1/  Trưởng ban hướng dẩn phân ban:
·   Điều  động toàn BHD, điều khiển hướng dẫn mọi hoạt động trong Ban để đạt những mục tiêu đã ấn định.Phù hợp với Nội quy Ban Hướng Dẩn Phật Tử và Nội quy GĐPT Việt Nam.
·   Giữ liên lạc thường xuyên, hiểu rõ các hoạt động của các Ủy viên để phân công nhiệm vụ hộ lý, hướng dẩn điều chỉnh nếu cần.
·   Hội ý với các Phó trưởng Phân ban, Chánh Thư ký, Ủy viên Nội vụ hoặc Ban thường vụ để dự kiến thành phần nhân sự BHD khi cần bổ sung, tăng cường thay thế hoặc hoán chuyển hoặc giải quyết một vấn đề mà không có điều kiện tổ chức họp toàn BHD.
·   Liên lạc tiếp xúc, thỉnh thị ý kiến, báo cáo lên Trưởng Ban Hướng Dẩn Phật Tử Tỉnh, Thành hội  06 tháng một lần về các hoạt động của GĐPT.
·   Liên lạc mật thiết với Ban Hướng Dẩn Phân Ban GĐPT Trung Ương, chịu trách nhiệm và báo cáo tình hình hoạt động GĐPT 06 tháng một lần.
·   Liên lạc tiếp xúc với các cơ quan Ban Ngành trong Giáo Hội, các cơ quan Chính quyền, các tổ chức xã hội về các vấn đề liên quan đến việc tổ chức tu học, sinh hoạt của GĐPT Tỉnh.
·   Vạch kế hoạch hoạt động của BHD Phân Ban GĐPT Tỉnh, Thành và triển khai khi được chấp thuận của Ban Trị Sự Phật giáo Tỉnh Thành hội.
·   Chủ tọa các buổi họp, hội nghị của BHD Phân Ban và lễ lược của các GĐPT trực thuộc. Duyệt ký các quyết định và văn thư phổ biến nội bộ GĐPT.
·   Người quyết định cuối cùng các Phật sự liên quan và Phát ngôn viên chính thức của BHD Phân Ban GĐPT Tỉnh, Thành.   

4.2/  Các Phó Trưởng Phân Ban:
v  Điều hành các hoạt động chuyên môn theo chức năng nhiệm vụ được giao. Trại trưởng các trại chuyên ngành, các trại huấn luyện cấp II (Huyền trang).
v  Phối hợp chặt chẽ với các Ủy viên chuyên ngành và các Ủy viên chuyên môn, tổ chức những chương trình sinh hoạt, tu học chuyên biệt theo Ngành như các ngày truyền thống Dũng, Hạnh, Hiếu, Ngoan, Trại họp bạn Ngành, liên Ngành…
v  Lập phương án hoạt động trong phạm vi chức năng được giao.
v  Chịu trách nhiệm trước BHD Phân Ban GĐPT Tỉnh và Trưởng BHD Phân Ban GĐPT Tỉnh, Thành về các Phật sự được giao phó.
v  Thay thế Trưởng BHD Phân Ban GĐPT Tỉnh giải quyết các công việc trước mắt (nếu được Trưởng Phân Ban ủy nhiệm hoặc Ban Thường Trực đồng ý).
v  Ngoài những nhiệm vụ trên, do sự chỉ đạo chung của Trưởng Phân Ban, các Phó Phân Ban Ngành có thể được Trưởng Phân Ban ủy quyền theo chức năng duyệt ký một số văn bản có liên quan đến sinh hoạt, tu học của Ngành.

4.3/  Chánh Thư Ký – Phó Thư Ký:
v  Điều phối các hoạt động tổng quát về Văn phòng BHD. Chỉ đạo phân công các Phó thư ký hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được giao.
v  Liên lạc thường xuyên với các Ban viên để theo dõi các chuyển biến về tình hình sinh hoạt chung của toàn BHD. Đề nghị các biện pháp thích ứng  lên Thường trực BHD.
v  Phụ trách các công việc có tính cách hành chính của BHD nhất là các phần việc hành chính liên quan nhiều đến các Ban viên.
v  Điều hành các phương thức quản trị hồ sơ, kiểm soát báo cáo, kiểm soát biểu mẫu…
v  Kiểm tra hồ sơ trình ký, tiếp nhận văn thư, chọn lựa tài liệu, soạn thảo văn bản, lập mục lục lưu trữ văn thư, tài liệu. Theo dõi và giải quyết các văn thư đến, dự thảo và trình ký các văn bản.
v  Đảm nhiệm các Phật sự không thuộc Ủy viên nào hoặc chưa liệt kê. Quản thủ các thư riêng của Trưởng Ban có liên quan đến tổ chức GĐPT. Tiếp tân, hướng dẩn quan khách.
v Thực hiện và triển khai các quyết định ghi trong biên bản, sao chép các văn bản chính đã ban hành, tổ chức Ban Biên Tập và quản lý trang Web, Blog của BHD Tỉnh Thành.
v  Nghiên cứu tổ chức các khóa tập huấn về hành chánh cho các Huynh trưởng cốt cán của các đơn vị (Gia trưởng, Liên đoàn trưởng, Thư ký, Thủ quỹ…)
v  Lập báo cáo hoạt động 6 tháng, tổng kết cả năm đệ trình BHD Phật tử Tỉnh và BHD Phân ban GĐPT Trung Ương đúng thời gian quy định.

4.4/  Ủy Viên Thủ Quỹ:
v  Quản lý Thu, Chi tài chánh, thông tin tình hình thu chi tài chánh định kỳ hàng tháng.
v  Quản lý các hiện vật, hiện kim có mệnh giá của BDH
v  Xuất chi theo đề xuất của các Ủy viên (có chữ ký khán duyệt của Trưởng Phân Ban).
v  Lập sổ sách, chứng từ tài chánh rỏ ràng,công khai, minh bạch.

4.5/  Ủy Viên Nội Vụ:
v  Quản trị hồ sơ hành chánh cá nhân, sách tịch các Ủy viên BHD và Huynh trưởng các đơn vị GĐPT trực thuộc.
v  Quản trị số lượng các thành viên GĐPT trực thuộc theo Ngành: (Oanh vũ, Thiếu, Thanh).
v  Nghiên cứu, soạn thảo các văn kiện cơ bản về nhân sự, phù hợp với Hiến chương Gíao hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy BHD Phật tử Trung Ương.
v  Giải quyết các trường hợp liên quan đến trình trạng pháp lý của Huynh trưởng và Đoàn sinh GĐPT.
v  Phụ trách mọi vấn đề có liên quan việc thực hiện Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy BHD Phật tử Trung ương, Nội quy-Quy chế của GĐPT Việt Nam.
v  Phụ trách An ninh – An toàn và sự đoàn kết thống nhất nội bộ.
v  Theo dõi tình hình chung, nhận định, đánh giá tin tức, đề ra phương án dự phòng hoặc giải quyết.

4.6/ Ủy viên Tổ Kiểm:
v  Trực tiếp tiếp xúc với các đơn vị GĐPT tại địa phương về các Phật sự liên quan đến GĐPT
v  Theo dõi tiến trình thành lập các GĐPT và phổ biến các biện pháp cần thiết.
v  Soạn thảo phương án tổ chức các hoạt động GĐPT.
v  Kiểm tra sinh hoạt các GĐPT phù hợp với hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy BHD Phật tử Trung Ương, Nội quy – Quy chế GĐPT Việt Nam.
v  Đúc kết các hoạt động, nhận xét, đề nghị biện pháp chấn chỉnh thích ứng.
v  Theo dõi, kiểm tra và đôn đốc các trại huấn luyện Huynh trưởng.
v  Là kiểm soát viên các cuộc họp BHD. Kiểm soát tài chánh nếu Trưởng Ban vắng mặt.

4.7/ Ủy viên Nghiên Huấn:
v  Nghiên cứu  và soạn thảo chương trình tài liệu tu học thường xuyên.
v  Nghiên cứu phương án tổng quát về tu học và huấn luyện.
v  Tổ chức hội thảo, phổ biến tài liệu và kinh nghiệm huấn luyện.
v  Tổ chức các khóa huấn luyện, thi khảo sát, các kỳ thi vượt bậc học cấp Tỉnh, Thành phố.
v  Lập sổ sách theo dõi tình hình cấp chứng chỉ các bậc học và huấn luyện.
v  Kiểm tra việc giảng dạy, giải quyết các vấn đề trở ngại trong việc huấn luyện và tu học.

4.8/ Ủy viên Tu Thư:
v  Quản thủ tư liệu, sách vở tu học của BHD.
v  Truy tìm và khảo đính các tư liệu, tài liệu tu học.
v  Thống kê và phổ biến các tư liệu chuẩn.
v  Quản thủ tủ sách, tổ chức thư viện GĐPT, in ấn các tài liệu tu học.

4.9/ Ủy viên Văn Nghệ:
v  Chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến Văn hóa, Văn nghệ, Nghệ thuật của GĐPT.
v  Nghiên cứu đường lối văn hóa nghệ thuật phù hợp Phật giáo, dân tộc và GĐPT.
v  Chịu trách nhiệm  chương trình tu học về văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật của mỗi bậc học, các Ngành (Oanh, Thiếu, Thanh) và kể cả Huynh trưởng.
v  Soạn thảo tài liệu tu học theo chương trình tu học về văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật.
v  Sưu tầm và phổ biến văn nghệ văn nghệ trong GĐPT.
v  Chịu trách nhiệm về nội dung và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật của BHD.

4.10/ Ủy viên Từ Thiện Xã Hội:
v  Lập phương án Từ Thiện Xã Hội theo tình hình cho phép, phù hợp với địa phương.
v  Quản lý các công tác Từ thiện Xã hội, phổ biến vận dụng, đôn đốc, theo dõi và báo cáo kết quả thực hiện.
v  Lập quỹ học bổng cho Huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT trực thuộc. Liên hệ với các cơ quan chức năng ngang hàng trong Giáo hội về vấn đề Từ thiện Xã hội. Vận động các nguồn tài chánh từ nội lực GĐPT, các nguồn từ tha lực…
v  Nghiên cứu và phổ biến phương án hướng nghiệp cho GĐPT. Quản lý các trung tâm hướng nghiệp của BHD.(nếu có)
v  Soạn thảo chương trình và tài liệu huấn luyện về Từ thiện Xã hội-Hướng nghiệp cho các bậc học, các Ngành của GĐPT.
v  Soạn thảo các quy định về cưới hỏi – ma chay – tiệc tùng – tương trợ trong nội bộ GĐPT.
v  Tổ chức các chương trình ủy lạo, cứu trợ, công tác từ thiện xã hội thích hợp với nhu cầu khả năng của  từng địa phương. Các chương trình phúc lợi xã hội, các hoạt động chia sẻ giúp đỡ định kỳ, các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, đột xuất.

4.11/ Ủy viên Tài Chánh:
v  Nghiên cứu, tổ chức các hình thức kinh doanh hợp lệ theo pháp luật hiện hành. Phổ biến, phát triển hệ thống mậu dịch hiện có nhằm phục vụ nhu cầu Phật sự và sinh hoạt của BHD.
v  Phối hợp với Ủy viên Thủ Quỹ BHD, các Ủy viên có liên quan và Ban Bảo Trợ GĐPT Tỉnh thực hiện các hoạt động gây quỹ BHD, các quỹ từ thiện xã hội, tương tế, tương trợ Tình Lam trong GĐPT…
v  Phối hợp với Văn Phòng BHD và Ủy viên Từ thiện Xã hội trong việc tổ chức, tham dự tang sự, hỷ sự, thăm viếng, tương trợ tình Lam…
v  Có sổ sách ghi chép quản lý hàng hóa rỏ ràng, cụ thể, minh bạch và an toàn. Định kỳ 3-6 tháng thông tin báo cáo tình hình kinh doanh trước cuộc họp của BHD hoặc Ban thường trực.

4.12/ Ủy viên Hoạt Động Thanh Niên:
v  Đảm trách và chịu trách nhiệm về các công việc có liên quan đến bộ môn hoạt động thanh niên cấp BHD Tỉnh.
v  Phối hợp với Ủy viên Nghiên Huấn  tổ chức các khóa huấn luyện chuyên năng về kỹ thuật trại, thủ công mỹ nghệ nữ công gia chánh điều khiển trò chơi, cắm hoa …
v  Nghiên cứu, đề xuất với BHD về chương trình tu học, sinh hoạt thuộc lĩnh vực hoạt động thanh niên thích hợp với từng lứa tuổi, từng Ngành, từng bậc học.
v  Phối hợp với các Ủy viên Ngành tổ chức các ngày trại truyền thống Dũng, Hạnh, Hiếu, Ngoan, các tiết mục thi đua Văn Thể Mỹ trong các dịp Trại, lễ lượt, hội thi…
v  Được BHD giao nhiệm vụ tổ chức các trại họp bạn toàn Tỉnh hoặc đảm trách phần chuyên môn kỹ thuật trong các trại họp bạn, trại hè, trại huấn luyện…

4.13/ Các Ủy viên Ngành: (Nam Phật tử, Nữ Phật tử, Thiếu nam, Thiếu nữ, Nam oanh vũ, Nữ oanh vũ)
v  Quản lý hồ sơ tổ chức về Ngành. Thống kê số lượng chỉ số, chỉ danh, các đơn vị GĐPT cơ sở, chỉ số chỉ danh các Đoàn trong toàn Tỉnh.
v  Thống kê số lượng Huynh trưởng Đoàn (chỉ số chỉ danh) phân theo cấp bậc, trại huấn luyện, trình độ văn hóa, năng lực, năng khiếu của mỗi Huynh trưởng để điều động khi cần thiết
v  Thống kê số lượng Đoàn sinh toàn Tỉnh, số lượng theo các bậc học, số lượng thi vượt bậc hằng năm, số lượng trại sinh các trại Đội, Chúng trưởng, Đầu thứ đàn.
v  Nghiên cứu chương trình tu học của Ngành, đề nghị cải tiến phương pháp sinh hoạt, huấn luyện cho phù hợp với thời đại. Phối hợp với ủy viên nghiên huấn, tu thư biên soạn tài liệu tu học, huấn luyện.
v  Tổ chức các hội thi, các trại ngày truyền thống Dũng, Hạnh, Hiếu, Ngoan, các lễ lượt về Ngành, trại họp bạn, trại công tác xã hội, các khóa hội thảo, khóa bồi dưỡng kỹ năng Huynh trưởng cầm đoàn, sinh hoạt giao lưu rút kinh nghiệm điều khiển đoàn (phối hợp với các ủy viên có liên quan).
v  Phối hợp tổ chức các trại Đội, Chúng trưởng, Đầu Thứ Đàn. Huấn luyện viên các trại huấn luyện cấp Tỉnh (ủy viên nghiên huấn mời).

4.14/ Hoạt động của các Ủy viên Đại Diện BHD Phân Ban GĐPT tại Huyện, Thị Xã, Thành phố trực thuộc BHD Tỉnh:

         Trên lý thuyết cấp Huyện, Thị Xã, Thành phố trực thuộc BHD Phân Ban GĐPT Tỉnh mang tính chất là cấp trung gian, liên lạc giữa BHD và các đơn vị GĐPT cơ sở. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều BHD Tỉnh,Thành hội đã thực hiện mô hình BAN ĐIỀU HÀNH GĐPT Huyện(Ban Đại Diện GĐPT).Do tại nhiều Huyện,Thị thường có nhiều đơn vị GĐPT cơ sở sinh hoạt, thậm chí có nơi có từ 10,20 hoặc 30…đơn vị, hơn nữa địa bàn hoạt động của đơn vị cơ sở trú đóng cách xa trung tâm Huyện lỵ nên một mình Ủy Viên Đại Diện sẽ không kham nổi.
         Trong trường hợp nầy cần thiết phải có một Ban Điều Hành (gồm có Ủy viên Đại Diện là thành viên BHD), Thư Ký, Ban viên Tổ kiểm, Thủ quỷ hoặc nhiều thành viên hơn nữa thì mới có thể thay mặt cho Ban Hướng Dẩn để tổ chức, điều hành sinh hoạt, tu học giảm bớt gánh nặng cho Ban Hướng Dẩn.
         Kinh nghiệm thực tế cho thấy, Ban Điều Hành GĐPT Huyện, Thị xã có một số hoạt động căn bản, BHD có thể giao nhiệm vụ để điều hành các GĐPT cơ sở:

v  Làm trung gian truyền đạt nhanh chóng, kịp thời các chủ trương, kế hoạch, chương trình hoạt động của Ban Hướng Dẩn.
v  Tổ chức vận động một cách tích cực hiệu quả, đôn đốc các đơn vị cơ sở thực hiện tốt các kế hoạch Phật sự của BHD đã đề ra.
v  Thống kê số lượng Huynh trưởng và Đoàn sinh toàn Huyện thị (chỉ số chỉ danh).
v Báo cáo tình hình sinh hoạt, nhu cầu của các đơn vị cơ sở giúp cho BHD có phương hướng giải quyết hay xây dựng chương trình hoạt động phù hợp.
v  Thay mặt BHD, tổ chức thăm viếng, kiểm tra đôn đốc sinh hoạt, thực hiện các Phật sự, điều chỉnh các sai sót.
v  Được BHD ủy quyền và phối hợp với các ủy viên liên hệ tổ chức các trại huấn luyện Đội, Chúng trưởng, Đầu Thứ Đàn.
v  Được ủy quyền của BHD tổ chức  trại huấn luyện Lộc Uyển (Ủy viên Nghiên Huấn chỉ đạo phần giảng huấn).
v  Tổ chức các trại họp bạn, trại truyền thống Ngành, các khóa hội thảo, sinh hoạt giao lưu, bồi dưỡng năng lực Huynh trưởng, các hoạt động về Văn Thể Mỹ, Từ thiện Xã hội… các đơn vị GĐPT trong  toàn Huyện Thị.
v  Tổ chức thực hiện kiểm tra kiểm soát các lớp học bậc Kiên, Trì, khảo sát thi vượt bật trong phạm vi Huyện Thị theo chương trình kế hoạch chung của Ban Hướng Dẩn.
v  Lập báo cáo sơ kết, tổng kết các công tác Phật sự. Chương trình hoạt động cả năm của toàn Huyện Thị để BHD tổng hợp, tổng kết báo cáo toàn Tỉnh 6 tháng hay cả năm.

Để có thể tổ chức điều hành quản lý sinh hoạt GĐPT cấp Tỉnh,Thành phố, chúng ta đã có một “Ban Lãnh Đạo” với danh xưng mang tính cách khiêm tốn, gần gũi, gắn bó và thân ái là BAN HƯỚNG DẨN với thành phần cơ cấu chặt chẻ, phân quyền hợp lý, phân nhiệm cụ thể. Nhưng chỉ chừng ấy không thôi thì chưa chắc hoạt động của BHD có hiệu quả, nếu người Ủy viên BHD chưa hiểu hay không chịu hiểu về nhận thức và thực hiện của chính mình hay nói cách khác là chưa thể hiện tính tự giác tự nguyện cực kỳ cốt thiết trong sinh hoạt GĐPT.
Người Ủy viên BHD cần phải nhận thức đầy đủ rằng toàn BHD là bộ máy lớn. Từ Trưởng Ban, các Phó Trưởng Ban cho đến các Ủy viên là một bộ phận chuyên năng thiết yếu trong bộ máy liên quan hữu cơ mật thiết với nhau trong việc vận hành của bộ máy ấy. Nếu một trong những bộ phận bị yếu ớt hỏng hóc thì sự vận hành của toàn bộ máy sẽ bị trục trặc sai lệch có khi phải ngừng hoạt động. Kinh nghiệm thực tế cho thấy có lúc có nơi một hoạt động của BHD hầu như chỉ tập trung vào một vài ủy viên trong Ban Thường Trực thậm chí giao khoán tất cả cho vị Trưởng Ban, còn các Ủy viên thì cứ thản nhiên thỏa mãn với chức vụ và hư danh. Đó là lề thói làm việc thiếu tổ chức, kém dân chủ tiến bộ và nhất là thiếu tinh thần trách nhiệm. Hậu quả là trì trệ và mất đoàn kết. Bởi vì trong tình như vậy thì chúng ta thường đỗ lỗi cho ngoại cảnh, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác chứ không tự hỏi “Ta đã làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình chưa” một nhiệm vụ nặng nề và cao cả là tổ chức điều hành việc tu học của hàng trăm hàng ngàn Huynh trưởng đoàn sinh GĐPT trong toàn Tỉnh, Thành tại địa phương.
Trong sinh hoạt đoàn thể không có gì quý hơn là thống nhất lý tưởng và hành động. Cũng không có gì có sức mạnh bằng sự thống nhất ý chí và hành động. Vì vậy tất cả mọi thành viên BHD Phân Ban GĐPT Tỉnh, Thành phố hãy đứng vào vị trí, thống nhất ý chí, thống nhất hành động và thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ một cách hòa hợp và đầy trách nhiệm để cho sự sinh hoạt tu học của GĐPT Tỉnh Thành được phát triển và đạt kết quả tốt đẹp.
III.- TINH THẦN TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG:

1/ Thế nào là tinh thần trách nhiệm:
 Tinh thần trách nhiệm là ý thức được trách nhiệm của mình trong công việc mà mình nhận lãnh hay trong phạm vi chức vụ của mình. Người có trách nhiệm lúc nào cũng nổ lực phấn đấu khắc phục những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

2/ Trách nhiệm của người Huynh trưởng trong Gia Đình Phật Tử:
Người Huynh trưởng của tổ chức GĐPT thì phải có trách nhiệm để phục vụ mục đích lý tưởng cao đẹp mà mình hướng đến. Trách nhiệm về giáo dục các em, trách nhiệm đối với các em, với phụ huynh các em, với sự thịnh suy của tổ chức GĐPT, của đơn vị mình phụ trách. Nếu người Huynh trưởng không có khả năng, tác phong đạo đức tốt thì chắc chắn không thể nào hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cho nên chúng ta phải luôn luôn trau dồi đạo đức, phát huy sáng kiến và năng lực chuyên môn. Vì vậy chúng ta phải rèn luyện các đức tính:
v  Phải có khả năng, tác phong, đạo đức tốt.
v  Phải có tinh thần kỷ luật và chịu huấn luyện.
v  Phải có bổn phận và trách nhiệm.

3/ Trách nhiệm đối với Đoàn và Gia đình:
Mỗi chức vụ có một trách nhiệm của mình. Khi nói đến trách nhiệm đối với Đoàn, với Gia đình thì trước hết phải nói đến trách nhiệm giáo dục các em. Ngoài ra còn có nhiều Phật sự khác ở trong đơn vị cần thực hiện, nhưng dù công việc gì cũng nhằm cho giáo dục và phục vụ Đạo pháp.Người Huynh trưởng Ủy viên BHD là đã thấy và nhận lãnh trách nhiệm nặng nề cao quý và phải làm thế nào để tổ chức GĐPT phát triển và tồn tại.

4/ Trách nhiệm đối với lý tưởng và Đạo pháp:
Ngoài việc làm tròn chức năng hướng dẩn và giáo dục đoàn sinh, các anh chị phải nhận lãnh thêm các nhiệm vụ khác trong Gia đình hoặc phải lãnh các trách nhiệm khác trong sinh hoạt chung tại cấp Huyện,Tỉnh. Phải phấn đấu hoàn thành để góp phần những thành công của đơn vị, để tạo niềm tin của mọi người đối với đơn vị nói riêng và tổ chức GĐPT nói chung. Có như thế mới xứng đáng là người Huynh trưởng có trách nhiệm với lý tưởng tổ chức GĐPT.
GĐPT là một tổ chức, là một thành phần trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, người Huynh trưởng có trách nhiệm với lý tưởng GĐPT, đương nhiên phải có tinh thần trách nhiệm đối với Giáo hội. Vì vậy, trước những Phật sự của Giáo hội cần đến sự đóng góp của Huynh trưởng, chúng ta phải sẳn sàng, phải nổ lực đóng góp, vì đây vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của Huynh trưởng chúng ta.

IV.- NHỮNG BIỂU HIỆN TRONG TINH THẦN TRÁCH NHIỆM:

Trách nhiệm phải là của mỗi người, mỗi chức vụ, mỗi cấp. Chức vụ nhỏ thì trách nhiệm nhỏ, chức vụ lớn thì trách nhiệm lớn. Ai cũng phải có trách nhiệm, vì người trốn trách nhiệm là người thiếu ý thức, vô kỷ luật đối với chính mình và đối với tập thể.

1/ Những thái độ biểu lộ người có tinh thần trách nhiệm:
v  Những công việc thuộc phạm vi trách nhiệm phải xung phong, mạnh dạn và vui vẻ nhận lãnh không phải chờ phân công.
v  Những công việc mà mình có 80% khả năng hoàn thành mà chưa có ai nhận làm, mình vui vẻ xung phong để tự phấn đấu vươn lên.
v  Khi phân công với người cộng sự, bao giờ ta cũng nhận phần khó khăn hơn Sẳn sàng hợp tác nhiệt tình với các phần việc khác khi cần sự hổ trợ của mình.
v  Phải có tinh thần cầu tiến, học hỏi người khác, nghiên cứu tỉ mĩ, bàn bạc cụ thể và hoàn thành trách nhiệm dù phải khắc phục khó khăn trở ngại.
v  Khi công việc nhận lãnh mà không hoàn thành, phải bình tỉnh phân tích nguyên nhân và phải vui vẻ mạnh dạn nhận lãnh trách nhiệm trước tập thể với tinh thần “Thắng không kêu, bại không nản”.

2/ Những thái độ thiếu tinh thần trách nhiệm:
v  Phần việc thuộc phạm vi của mình thì không nhận lãnh hoặc khi nhắc nhở thì tìm mọi cách thối thác hoặc đùn đẩy cho người khác.
v  Nhận công việc chỉ vì danh, nên khi thực hiện thiếu nhiệt tình, lơ là, gặp chăng hay chớ, qua loa, lấy lệ không nghĩ đến hiệu quả của công việc.
v  Công việc thì không mạnh dạn nhận lãnh, nhưng khi thành công thì phủi nhận công lao của người khác , tự hào, tự đắc, ôm tất cả công lao ấy về mình.
v  Nhận công việc vì “chức” vì “quyền” nhưng khi công việc thất bại thì không dám nhận trách nhiệm mà lại bào chữa quanh co, đổ hết trách nhiệm cho người khác, cho hoàn cảnh xung quanh.
v  Công việc của chính mình thì không tự lo liệu giải quyết hoặc chưa hoàn thành mà lại xỉa xói, chê bai, trách móc công việc của người khác để khi công việc ấy thành công thì nhận mình đóng góp công lớn.
v  Vì tự ái cá nhân mà bỏ dở công việc.

Muốn có một đơn vị GĐPT vững mạnh, muốn cho tổ chức GĐPT mãi mãi rạng ngời thì rất cần những Huynh trưởng có khả năng, tác phong đạo đức tốt, nhưng quan trọng hơn hết là phải có tinh thần trách nhiệm.
Chúng ta đến với tổ chức GĐPT không những chỉ có trách nhiệm tu học đối với bản thân mình mà còn có trách nhiệm đối với các em, đối với những người xung quanh, trách nhiệm đối với sự thịnh suy của đơn vị. Mọi chức vụ đều gắn liền theo một trách nhiệm. Nhiệm vụ cao trách nhiệm càng lớn, thì việc rèn luyện, trau dồi càng phải gia tâm cố gắng nhiều hơn.

V.- TƯ CÁCH, TÁC PHONG CỦA NGƯỜI ỦY VIÊN BAN HƯỚNG DẨN:

Trong cuộc sống, tùy theo hoàn cảnh gia đình, mỗi Huynh trưởng có một cách mưu sinh riêng, nghề nghiệp khác nhau. Nhưng thiết nghĩ đã là Huynh trưởng của tổ chức GĐPT thì phải chọn nghề thích ứng với đời sống Phật tử, dũng cảm định hướng cho mình, Huynh trưởng GĐPT không thể vì lợi nhuận mà làm các nghề có liên quan đến cờ bạc, rượu chè, đồ tể, ma túy, mại dâm…
Người Huynh trưởng được huấn luyện về kiến thức Phật pháp, kiến thức phổ thông, khả năng chuyên môn, phương pháp tổ chức điều khiển và phát nguyện suốt đời phụng sự đạo pháp, phục vụ lý tưởng và góp phần xây dựng quê hương đất nước.
Tư cách của người Huynh trưởng được xây dựng trên 2 yếu tố căn bản: Tác phong bên ngoài và đức độ bên trong.

1/ Tác phong bên ngoài:
Người Huynh trưởng bất cứ lúc nào cũng ăn mặc đúng quy định, giản dị, sạch sẽ, tóc tai gọn gàng, đồng phục chỉnh tề, đeo huy hiệu, phù hiệu, bảng tên đúng quy định, không đeo những phù hiệu quá thời hiệu sử dụng, không may mặc lòe loẹt, chưng diện, kệch cỡm hay chạy theo thời trang.
Giao tiếp với mọi người phải tươi vui hòa nhã, khoan dung độ lượng bình tỉnh sáng suốt, không dùng lời nói thô kệch nóng nảy mất tính hòa ái khi đối diện, thực hiện tinh thần Lục hòa trong mọi lúc mọi nơi.

2/ Đức độ bên trong:
Có rất nhiều yếu tố tạo nên đức độ của người Huynh trưởng, tuy nhiên không ngoài năm đức tính căn bản như: tình thương, đức hy sinh, tính kiên nhẫn, lòng trung kiên và tinh thần cầu học.
Ngoài tư cách và đức độ người Huynh trưởng luôn luôn tâm niệm 10 điều:
v  Tâm niệm thứ nhất là tin vào Đạo, tin vào Gia Đình Phật Tử.
v  Tâm niệm thứ hai là thông suốt đường lối của Gia Đình Phật Tử.
v  Tâm niệm thứ ba là trách sự huyển dụ của tà thuyết.
v  Tâm niệm thứ tư là yêu nghề dạy trẻ, nhắm đúng đối tượng.
v  Tâm niệm thứ năm là trau dồi kiến thức, hiểu rõ phương pháp giáo dục.
v  Tâm niệm thứ sáu là tuân kỷ luật, chịu huấn luyện.
v  Tâm niệm thứ bảy là phát huy sáng kiến.
v  Tâm niệm thứ tám là tổ chức đời sống (bản thân, gia đình).
v  Tâm niệm thứ chín là làm việc có kế hoạch.
v  Tâm niệm thứ mười là tác phong nghiêm chỉnh

Gia Đình Phật Tử là một đơn vị có tổ chức hàng đầu trong các tầng lớp cư sĩ tại gia. Người Huynh trưởng là người giảng huấn để đào tạo thế hệ kế thừa cho Đạo pháp. Giáo hội cũng như các bậc tôn túc đã và đang dày công vun trồng, đặt hết niềm tin vào Huynh trưởng. Do đó trách nhiệm của Huynh trưởng phải sống làm sao cho khỏi phụ lòng các bậc tôn túc và phụ huynh.
Huynh trưởng phải là những người tiên phong, đầy sức sống trong việc hoằng dương và phục vụ chánh pháp. Do vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người Huynh trưởng cũng phải làm tròn bổn phận của mình đối với đất nước và Đạo pháp. Có như thế hình ảnh của người Huynh trưởng mới gần gũi với các em, là nơi tin cậy của các bậc phụ huynh và là lực lượng hộ pháp đắc lực cho Giáo hội.
Như vậy, tư cách đứng đắn, tác phong nghiêm chỉnh, thể hiện niềm tin chân chính và lý tưởng được nêu cao, cuộc sống phải đạo đức gương mẫu, phải có trình độ giáo lý nhất định, có kiến thức phổ thông, thông suốt mục đích và đường lối của tổ chức GĐPT, có khả năng chuyên môn và năng lực tổ chức điều khiển thông qua việc huấn luyện tu học. Biểu lộ tinh thần kỷ luật tự giác, tôn trọng tổ chức và ý thức trách nhiệm.
Những yếu tố tư cách, tác phong căn bản của người Huynh trưởng nêu trên là nhân tố quan trọng, đồng thời quyết định cho sự phát triển tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam./.

                                     
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
v  Nội quy GĐPT thuộc Ban Hướng Dẩn Phật Tử Trung Ương GHPGVN
v  Hành chánh trong  Gia Đình Phật Tử
v  Tài liệu huấn luyện trại Vạn Hạnh

Thuyết trình viên
   NGUYÊN THỌ TRẦN VĂN NHƠN
         


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét