photo signature_2-1_zps09dfa1cf.gif

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

LỊCH SỬ PHẬT THÍCH CA TÓM TẮT NHẤT


Bài lịch sử đức Phật Thích Ca tóm tắt nhất

Chân dung Đức Phật Thích Ca Mâu Ni năm ngài 41 tuổi

I/ NIÊN ĐẠI VÀ THÂN THẾ:
Đức Phật giáng sinh vào ngày 15 tháng 4 năm 623 BC (trước TL  - BBT)[*] tại vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni), cách thành Kapilavastu (Ca Tỳ  La Vệ) khoảng 15 cây số, nay là xứ Ruminidhehi thuộc quận hạt Aiuth, phía nam xứ Nepal và phía đông Rapti. Song thân ngài là Quốc vương Suddhodana (Tịnh Phạn) và Hoàng hậu Maya (Ma Da). Thuộc dòng dõi Sakya (Thích ca). Vua Suddhodana trị vì một vương quốc nằm ở ven sườn dãy núi cao ngất trời Himalaya (Hy mã Lạp Sơn) nằm phía đông-bắc Ấn Độ, thủ phủ là Kapilavastu, nay là Népal. Địa điểm thủ phủ này nay được nhận ra là Bhulya trong quận Basti, cách Bengal 3 cây số nằm vào hướng tây-bắc nhà ga xe lửa Babuan.

Bên tán cây asoka (vô ưu) che rợp mát, sắc mầu tươi sáng, hương thoáng nhẹ bay, Hoàng hậu Maya đã hạ sinh Thái tử. Tin lành Thái tử chào đời đã nhanh chóng lan truyền trong dân chúng. Tất cả các thần dân trong vương quốc đều vui mừng khôn xiết.
Ngày đản sinh Thái tử, khắp Kapilavastu cảnh vật đều vui vẻ lạ thường, khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi, sông ngòi, mương, giếng nước đều trong đầy; chim hót reo vang, hào quang tỏa sáng khắp nơi nơi. Đó là ngày hội của toàn Vương quốc. Đạo sĩ già tên Asita (A Tư Đà) ẩn tu trên dãy núi Hymalaya người được kính nể nhất về đạo hạnh đã đến chào Thái tử với thái độ hết mực cung kính, rồi cười và lại khóc. Được hỏi, đạo sĩ trả lời, ông cười mừng vì Thái tử có 32 tướng tốt, nhất định tương lai sẽ tu chứng Phật quả và với lòng từ bi thương xót chúng sinh mà truyền bá chánh pháp trên thế gian này. Lời tiên đoán làm cho đức vua Suddhodana lặng lẽ không vui. Trong lễ đặt tên, Vua đặt tên con là Siddhattha (Sĩ Đạt Đa – Tất Đạt Đa), họ là Gotama (Cồ Đàm) với hàm ý là kẻ phải giữ chức vụ mà mình phải giữ, còn có ý nghĩa là người được toại nguyện; mọi điều đều đạt thành tựu. Ý nhà Vua là muốn gửi gắm tất cả vương quyền của mình vào đứa con yêu quý này.
Hoàng hậu Maya qua đời sau 7 ngày hạ sinh Thái tử, vì thế sự nuôi dưỡng đều được chăm sóc trực tiếp bởi dì ruột (em ruột Hoàng hậu) tên là Maha Pajapati (Ma Ha Ba Xà Ba Đề).
II. ĐỜI SỐNG CỦA THÁI TỬ TRƯỚC KHI XUẤT GIA:
     1/ Đời sống và giáo dục của Thái tử:
Thái tử Siddhattha được nuôi nấng và dạy dỗ một cách toàn diện cả hai lĩnh vực văn chương và võ thuật. Những thầy giáo giỏi nhất trong nước được mời đến hoàng cung để dạy cho Thái tử các môn học đương đại với những phương pháp đặc biệt. Thái tử đã làm cho hai danh sư nổi tiếng về võ thuật là Ksantidiva (Sàn Đề Đề Bà) và về văn học là Visvamistra (Tỳ Sa Mật Đa La) phải cúi đầu thán phục. Ngoài sự thông minh đĩnh ngộ, Thái tử được mọi người quý kính về đức hạnh bao la của Ngài.
Càng yêu thương quý nến con, vua Suddhodana lại càng lo sợ Thái tử sẽ không nối nghiệp ngai vàng mà sẽ xuất gia tìm đạo như lời tiên đoán của đạo sĩ Asita. Càng lớn lên, Thái tử càng lộ vẻ trầm tư về cuộc sống. Bởi thế, Vua cùng triều thần sắp đặt nhiều kế hoạch để giữ Thái tử ở lại ngai vàng. Nhưng những hạnh phúc trần gian không làm khuây khỏa ưu tư của người có ý chí xuất trần. Thái tử vẫn thấy lòng mình nặng trĩu bao nỗi băn khoăn, thắc mắc. Ngài cho cảnh đời ngài đang sống đây không phải là hạnh phúc, chân thật, mà là lừa dối, mê muội, chỉ làm cho cuộc sống thêm nặng nề đau khổ. Ngài thấy cần phải tìm một lối thoát, một cuộc sống chân thật, có ý nghĩa và cao đẹp hơn.
Muốn ngăn chặn tất cả những hình ảnh của cuộc sống trầm thống khổ đau mà kiếp người phải đeo mang không lọt vào mắt, vào tai Thái tử. Để đứa con yêu không có thời gian mà nghĩ đến ngày xích lại với quyết định xuất gia, khi Thái tử tròn 16 tuổi, Vua Suddhadana vội tiến hành lễ thành hôn cho Thái tử với Công chúa của một nước láng giềng là Yosodhara (Da Du Đà La) con của vua Suppabuddha (Thiện Giác), một trang quốc sắc thiên hương với hy vọng hương ấm tình yêu thương đôi lứa sẽ buộc chặt đôi chân của Thái tử ở lại với ngai vàng.
      2/ Tiếp xúc khổ đau nhân thế:
Nhận ra bốn tướng khổ ở đời: Một hôm nhân ngày lễ Hạ điền, Thái tử theo vua cha ra đồng xem dân chúng cấy cầy. Cảnh xuân mới nhìn qua thấy thật là đẹp mắt, nào hoa lá tốt tươi, muôn chim đua hót, nào bầu trời quang đãng, gió xuân phơi phới… cảnh tượng có vẻ thái bình, an lạc lắm. Thế nhưng, tâm hồn Thái tử đã nhìn sâu thẳm vào trong cảnh tượng với sự xét đoán sâu sắc, không hời hợt và đã đau đớn nhận thấy rằng cõi đời không đẹp đẽ và an vui như khi mới nhìn qua. Ngài thấy người nông phu với con bò làm việc cực kỳ vất vả dưới ánh nắng thiêu đốt để đổi lấy bát cơm, nắm cỏ. Ngài nhận thức rõ ràng sự sinh sống là rất khổ.
Một hôm khác, ngài đến cửa Đông, ngài gặp một ông già tóc bạc, răng rụng, mắt đờ, tai điếc, lưng còng nương gậy từng bước ngập ngừng như sắp ngã.
Đến cửa Nam, Thái tử thấy một người bệnh đau khổ nằm trên cỏ, đang khóc than rên xiết, đau đớn vô cùng.
Đến cửa Tây, ngài nhìn thấy cái thây nằm chết trương lên giữa đường, ruồi nhặng bu đầy, trông rất ghê tởm. Ba cảnh khổ, già, đau chết này cộng với cảnh tương tàn trong cuộc sống mà Thái tử đã nhận thấy khi đi xem cày ruộng làm cho ngài đau buồn,thương xót chúng sinh vô cùng.
Một hôm khác nữa, ngài ra cửa Bắc gặp một vị tu sĩ tướng mạo nghiêm trang, điềm tĩnh thản nhiên như người vô sự đi ngang qua đường. Tiếp chuyện cùng Đạo sĩ ung dung, tự tại mà thoáng hiện đằng sau con người này một con đường giải thoát. Thái tử Siddhattha quyết định thoát khỏi ngục vàng tìm ra một lối thoát, một cuộc sống chân thật có ý nghĩa và cao đẹp hơn, một con đường dẫn tới giác ngộ, vĩnh viễn khắc phục mọi nỗi đau và bất hạnh của cuộc đời người và hướng tới an lạc.
Giữa lúc ấy, một tin đưa đến khiến ngài không vui: Công chúa Yosodhara vừa hạ sinh một Hoàng nam. Thái tử đã thốt lên rằng: “Một trở ngại (ràhu) đã được sanh, một ràng buộc đã được sanh ra”. Nhân câu nói này mà Quốc vương Suddhodana đã đặt tên cháu là Rafhula (La Hầu La).
III. SỰ TỪ BỎ VĨ ĐẠI:
Với cõi lòng nặng trĩu vì thương chúng sinh chìm đắm trong bể khổ, một đêm, sau khi đến trước phòng nhìn lại lần cuối người vợ và hài nhi yêu dấu đang say nồng trong giấc ngủ, ngài cùng nô bộc Channa (Xa Nặc) dắt con tuấn mã Kantaka (Kiền Trắc) vượt thành ra đi.
Ra ngoài, ngài từ bỏ tất cả những người thân yêu, ngôi báu, vương quyền, cuộc sống nhung lụa tràn đầy hạnh phúc. Đây không phải là sự hy sinh từ bỏ của một người già, người đau ốm, người nghèo, người bệnh tật, người bất đắc chí, người ngán ngẩm cuộc đời, người đang căm hờn oán giận… mà là sự hy sinh từ bỏ của một Hoàng tử đang tuổi thanh xuân, đang sống trong quyền quý giàu sang, chứa chan hạnh phúc. Quả đó là sự từ bỏ, hy sinh cao cả và vĩ đại có một không hai trong lịch sử loài người. Một sự ra đi không tiền khoáng hậu! Năm ấy Thái tử vừa tròn 19 tuổi (Theo Nam truyền Phật Giáo, Thái tử xuất gia năm 29 tuổi).
IV. QUÃNG ĐƯỜNG TU HÀNH – TẦM ĐẠO:
Thái tử ra đi với bộ quần áo màu vàng giản dị của người Tu sĩ, sống cuộc sống không nhà cửa người xuất gia, ly tục ly trần, không nơi cố định. Đi trong nắng cháy, đi trong mưa rơi, trong sương gió lạnh lùng. Xiêm y từ tốn, chỉ có vài mảnh vải vụn rập lại. Tài sản duy nhất chỉ là một bình bát để khất thực độ nhật, Thái tử dành hết thời gian cho sự tầm cầu thiền định quyết tìm ra sự thật tối hậu.
Ngài đến thành Vương Xá học với các vị tu tiên nơi rừng Bạc Già, tu theo khổ hạnh sau sẽ được lên cõi trời thành Tiên, Thánh. Ngài nghĩ đây chưa phải là đạo chân chính giải thoát.
Thái tử Siddhanha đã tới Bắc thành Tỳ Xá Ly thụ giáo Ông A La Ra – Ka La Ma Tu về số luận ngộ, chuyển nhiếp tâm vào định sơ thiền sau này hình vào cõi trên vô tướng giải thoát (Vô sở hữu xứ định). Ngài thấy đây cũng chưa phải là đạo giải thoát nên lại tạ từ ra đi.
Ngài gặp Ông Uất Đầu Lam Phất, chuyên dạy các sự chấp có hình tướng và không có hình tướng chỉ lĩnh hội cái nhiệm mầu (Phi phi tường xứ). Biết rằng đây cũng vẫn còn trong vòng sinh tử, ngài lại ra đivà thế là không còn ai để ngài học đạo nữa.
V. SÁU NĂM KHỔ HẠNH:
Thời ấy, Ấn Độ còn có truyền thống và niềm tin rằng người nào cầu đạo giải thoát đều phải nỗ lực và kiên trì tu khổ hạnh. Thái tử liền đi đến Uruvela, một thị trấn của Senani và cùng với năm anh em Ông Kodanna (Kiều Trần Như), Bhadhya (Bạt Đề), Vappa (Đề Bà), Mahanama (Ma Ha Nam) và Asaji (Ác Bệ) bắt đầu cuộc tu khổ hạnh kéo dài đến sáu năm và dẫn đến kết quả là thân thể ngài gầy đi như một bộ xương khô, đôi mắt sâu hoắm không còn đi đứng được nữa…
Ở đây, qua thực nghiệm ngài thấy rằng chân lý tối hậu giải thoát an lạc, diệt trừ khổ đau không thể cầu được ở bên ngoài, ở bất kỳ một bậc Đạo sư nào, cũng không phải qua pháp môn hành xác, mà sự chứng ngộ ấy cần phải được thể hiện ở chính trong nội tâm của mỗi con người và không thể dựa vào một tha lực nào khác.
Ngài lấy lại sức nhờ uống bát sữa do một thôn nữ tên là Sujata (Su Dà Ta) dâng cúng, sau đó xuống tắm ở dòng sông Neranjara (Ni Liên Thuyền). Năm người bạn đồng tu cho rằng ngài đã thối chí, quay về cuộc sống dục lạc tiện nghi, họ bèn rời bỏ ngài và đi đến Isipatana gần thành phố Benares (Ba La Nại).
VI. THÀNH ĐẠO:
Còn lại một mình, ngài đến ngồi dưới gốc cây Pippala (Tất bát La, sau này gọi là cây Bodhi – Bồ đề), ngài đã ngồi nhập định 49 ngày đêm dưới gốc cây Bồ Đề và với tâm định tĩnh, chánh niệm, tỉnh giác, ly dục, đi vào Sơ thiền (thời niên thiếu trong buổi lễ Hạ điển Ngài cũng đã một lần vào cõi thiền này), Nhị thiền, Tam thiền và lần lượt nhập lên Tứ thiền sau đó hướng tâm đến Tam Minh. Với trực giác, ngài thấy rõ nguyên nhân của khổ đau. Chính sự tập khởi của 12 nhân duyên là tập khởi của toàn bộ khổ uẩn.
Ở canh một Ngài chứng Túc Mệnh Minh, thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của mình.
Sang canh hai, Ngài chứng Thiên Nhãn Minh, thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của chúng sinh với các nghiệp nhân và nghiệp quả, thấy rõ con đường thọ nghiệp của chúng sinh.
Qua canh ba, ngài quán chiếu thấy khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, sự đoạn tận của khổ đau và con đường đưa đến đoạn tận của khổ đau (Lậu Tận Minh).
Sau cùng, ngài chứng đắc quả vị Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, trở thành vị Phật đầu tiên trong hiện kiếp. Lúc ấy sao Mai vừa mọc và danh hiệu Đức Phật Gotama, Đức Phật Thích Ca Nâu Ni được thế gian tôn xưng từ đấy!
 VII. ĐỨC PHẬT ĐI TRUYỀN ĐẠO:
Lúc đầu ngài ngần ngại vì sợ đạo của ngài sâu xa khó hiểu, sau ngài mới ứng dụng đem đạo Phật ra giáo hóa chúng sinh, ngài đến vườn Lộc Uyển, thuyết bài pháp đầu tiên về 4 Đế.
Về sau ngài giáo hóa cho nhiều môn đệ:
- Cảm hóa 3 anh em Ông Kassapa (Ca Diếp) – Giáo chủ thần lửa.
- Moggallana (Mục Kiều Liên) – Đệ nhất thần thông.
- Sariputta (Xá Lợi Phất) – Đệ nhất trí tuệ.
- Vua Tần Bà Ta La xứ Ma kiệt Đà.
- Nan Đà.
- Annada (A Nan).
- A Na Luật Đà.
- Ưu Bà Ly.
- Di mẫu Maha Mujapati (Ma Ha Ba Xà Ba Đề) Gotami xuất gia (người phụ nữ đầu tiên được vào Giáo Hội).
- …
- Subhadda (Tu Bạt Đà La) là người đệ tử chót của đời ngài.
Đức Phật thuyết pháp và đi giáo hóa được 49 năm, độ cho hàng vạn ức đệ tử, không phân biệt.
VIII. ĐỨC PHẬT NHẬP NIẾT BÀN:
Vào ngày rằm trăng tròn tháng hai (15/2), ngài biết mình sắp nhập Niết Bàn liền đến xứ Câu Ly, vào rừng Xa Nại, ngài họp các đệ tử lại giảng dạy, khuyên bảo lần cuối để ngài từ giã mọi người. Ngài nhập Niết Bàn và hưởng thọ 80 tuổi.
Trước lúc viên tịch, ngài phú chúc ông Ca Diếp thụ lãnh y bát của ngài để truyền đạo.
                                                                            Nguồn: Viện R.I.A.F.R

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét