Thưa Anh Chị Em Áo Lam,
Vừa rồi có một Huynh
trưởng trẻ cho rằng phải truyền đạt làm sao để các em đoàn sinh của chúng ta
hiểu Phật Pháp một cách sâu sắc! Chúng tôi nghĩ rằng ý nghĩa thâm sâu của Phật
Pháp ngay đến Anh Chị Em Huynh trưởng chúng ta chưa chắc đã hiểu hết, nói gì
đến việc truyền đạt đến các em đoàn sinh và làm cho các em có thể hiểu sâu sắc! Thế nhưng điều cốt lõi là Phật Pháp cần phải được áp dụng
vào đời sống hằng ngày.
Thật vậy, mặc dù Phật
Pháp cao siêu mầu nhiệm, nhưng Gia Đình Phật Tử chúng ta đã áp dụng Phật Pháp
vào tu học và tu tập cho từ Oanh Vũ đến Huynh trưởng không trở ngại. Lấy ví dụ
bài ca chính thức của Gia Đình Phật Tử “Sen Trắng”.
Nhiều em đoàn sinh không hiểu hết ý nghĩa lời của bài ca cho là “cao siêu”. Nói
đúng hơn, không phải là cao siêu mà là sâu sắc, thâm trầm. Thật vậy, nhẫm lại
bài Ca chính thức của Gia Đình Phật Tử, chúng ta thấy rõ từng chữ từng câu…
thấm nhuần tinh thần vô ngã của đạo Phật và tinh
thần Bi, Trí, Dũng của châm ngôn… Chúng ta thử phân tích một lần xem, để có thể
chỉ rõ cho các em có thể hiểu được, chiêm nghiệm được và
từ đó lòng Tin Phật, Tin tổ chức Gia Đình Phật Tử, tin Phật Pháp nhiệm mầu cũng
như Tin vào Ba ngôi Báu vững vàng hơn.
Kìa xem Đóa Sen Trắag thơm,
Nghìn hào quang chiếu sáng trên bùn
Hình dung Bổn Sư chúng ta
Lòng từ Bi Trí giác vô cùng
Đồng thề nguyện một dạ theo Phật
Nguyện sửa mình ngày thêm tinh khiết
Đến bao giờ được tày sen ngát
Tỏa hương thơm từ bi tận cùng
Bài ca thật đơn giản
nhưng đã nói lên ý nghĩa: Gia Đình Phật Tử như một đóa sen trắng tỏa ngát hương
thơm _ hương thơm này lan ra và dâng hiến cho tất cả mọi loài, không cho riêng
ai. Hào quang của đức Bổn Sư của chúng ta thì chiếu sáng trên bùn _ Bùn đây là
chốn ô nhiễm trần tục, đầy khổ đau phiền não, Hoa Sen mọc lên từ bùn mà không
hôi tanh mùi bùn, đạo Phật cũng vậy, đi vào cuộc đời để tịnh hóa cuộc đời. Nếu
cuộc đời không đau khổ, không phiền não thì chư Phật đâu có ra đời làm gì! Và người Phật tử nguyện luôn tinh tấn tu học và tu tập để
làm gì ? để trở nên một đóa Sen tỏa ngát hương thơm cho môi trường chung quanh
và hương thơm này còn là hương từ bi, lan ra đến tận cùng nữa… nghĩa là hoàn
toàn vô ngã.
Đối với các em Oanh Vũ
của chúng ra, chỉ cần thực hành điều luật thứ ba: “Em thương người và vật” thì
đã phần nào tập cho các em thực hiện vô ngã rồi không phải sao ? “Thương
người như thể thương thân” và không chỉ thương người mà tình thương vô ngã còn
lan đến cả loài vật. Không phải chỉ biết thương cha mẹ, anh chị em mà thôi,
không phải chỉ biết thương con người mà thôi, còn phải thương cả loài vật và
sau lớn lên các em còn được giáo dục phải thương cả cây cỏ, núi rừng, sông biển
v.v.. nữa (bảo vệ môi trường); đó chính là tinh thần “học và hành” của giáo dục
Gia Đình Phật Tử.
Thưa Anh Chị Em,
Tổ chức chúng ta lúc
ban đầu chỉ là 5,7 đóa Sen (Đơn vị Gia Đình Phật Tử) _ dần dần đã nhân lên
thành trăm, ngàn, rồi vạn đoá Sen không chỉ ở trong nước mà ở cả hải
ngọai. Có lẽ vì lan rộng và lớn nhanh quá nên tính
chất vô ngã ngày càng lu mờ khiến cho tập thể Áo Lam phải bể ra thành nhiều
mãng; cũng có lẽ vì phân biệt và cố chấp nên thay vì “Gia Đình Phật Tử bất khả
phân” thì thành ra Gia Đình Phật Tử có khả năng phân ra nhiều “hệ phái”.Nhiều
người còn cho rằng sở dĩ Gia Đình Phật Tử chúng ta chia ra làm nhiều “chi
nhánh” là vì ai cũng có tư tưởng “Chùa tôi”, “Thầy Tôi”, “Phật của tôi” v.v.. và thế là vô ngã đi mất!
Thật ra, sai lầm này
không chỉ riêng Anh Chị Em chúng ta mắc phải đâu mà ngay những người xuất gia
cũng vậy.Các bạn còn nhớ câu chuyện “tượng Phật của ni cô” không? Một sư cô thỉnh được một tượng Phật rất đẹp, cô quí lắm;
đem về để lên bàn Phật và xông trầm để tụng kinh. Khói trầm bay lên nghi ngút
tỏa hương thật thơm, nhưng không bay đến tượng Phật quí của cô, mà bay đến các
tượng khác… Cô bực mình, làm một cái ống dẫn từ lư trầm đến tượng Phật quí của
mình…Tụng xong thời kinh, Cô hoảng hồn khi nhìn lên thấy tượng Phật đẹp quí
của mình trở nên đen thui! (Bởi vì khói trầm un lên ngay đó !!)
Thân kính chúc ACE
luôn tinh tấn tu học đạo Vô Ngã.
Trân trọng,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét