Bài viết nầy rất hay, rất có ý nghĩa. Nhân mùa "Trại Dũng" xin phép Anh Đức Quảng cho sao chép lại nguyên văn để anh chị em Áo Lam cùng đọc.
Câu Chuyện Lửa Tàn – Tinh Thần Trại Mạc
Kính thưa quý anh chị,
cùng các em thân mến.
Sống cùng với thiên nhiên, một ngày quên hết bao âu lo nhọc nhằn tâm trí; nhìn ra trời cao biển rộng để mở lòng khoáng đạt bao la. Từ lúc loài người rời xa núi non, hang động, từ giã thác suối, rừng rú đi khai mở ruộng đồng tụ lập thành xã hội. Xã hội càng phát triển thì bản năng thiên phú trong con người càng giảm theo đà tiến hóa và những xu hướng chung. Do đó núi cao, rừng thẳm, sông sâu, biển rộng… vẫn mãi là những bí mật, vẫn còn là các cuộc thách thức những bước chân của tuổi thanh thiếu niên áo lam thám du, khám phá trong đời sống trại mạc.
Các anh chị thường phàn nàn rằng sinh hoạt dạo này thiếu sinh khí làm cho đoàn sinh chán nản đến chùa thưa thớt; các anh chị cũng bảo rằng đi trại mà nghe đến trò chơi lớn thì các em cũng ngại, ngại lại theo dấu đi đường; lại trình diện trạm hỏi nọ, hỏi kia….Nói chung là cứ lập đi lập lại hoài một điệp khúc thì lấy gì mà không chán phải không!
Quý anh chị trẻ tuổi thường đề nghị đưa ra những sáng kiến đổi mới sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử và thường nhận được sự đồng tình của đại đa số một cách tích cực, nhưng đổi mới những gì và đổi mới như thế nào để khơi dậy, kêu gọi các bản năng thiên bẩm, năng động, nhạy bén trong mỗi chúng ta thức dậy để có thể sống hợp quần mà vẫn giữ được bản tính độc lập của mỗi cá thể không ỷ lại hay nương cậy vào người khác lúc chật vật, nguy nan. Chúng ta không thể bứng một gốc cây già đem trồng vào một chỗ khác mà gọi là đổi mới, hay trồng một cây mới vào hố cây cũ mà gọi là đổi mới…. Những cái được gọi là “mới” đó cũng sẽ “cũ” theo thời gian. Có khi chúng còn mau chán hơn lúc chưa đổi mới vì sự vụng về, thiếu chiều sâu và khó liên kết trong đời sống cộng đồng.
Chiều nay lúc vượt sông, tôi phát giác ra có nhiều em không biết bơi, chưa từng úp mặt quen dưới nước để thở nên đành phải để một số đi vòng; khi lội sình lầy các em nhún nhảy như đi trên cạn, vài chị sợ dơ gót, lấm quần nên cương quyết không băng qua. Cả một bản năng bơi lội trong các em bị ngủ quên; sống cùng thiên nhiên mà sợ sình lầy, bùn đất; sạch sẽ, vệ sinh quá đã làm cho ta sợ nhơ, sợ uế không dám bước lên. Gút ghế đơn quanh người để leo lên thời hở khóa, gặp dòng nước siết bám chắc dây thừng không nhả vì sợ bị cuốn trôi đi. Thế còn rắn, rết, bò cạp, muỗi mòng, nước độc…thì sao! chúng ta tổ chức trại trong rừng làm gì khi vẫn chưa sẵn sàng, cụ bị những vốn liếng căn bản là an toàn cho mỗi người. Đành rằng trong một đội, chúng thì có người này biết này, người kia biết nọ nhưng sự rủi ro chực chờ phút giây sơ hở để diễn ra.
Không biết bơi, lặn, lội thì làm sao học tiếp môn cấp cứu nạn nhân dưới nước; không biết tác hại của ngọn lửa làm sao học được cách cứu hỏa; không dám qua sông thì làm sao đưa nạn nhân qua bờ bên kia an toàn! Có nhiều điều anh chị em chúng ta phải ngồi bàn lại vì ta đã bỏ lửng và phí hoài những kho tàng vô tận mà thiên nhiên đã ban tặng và tiền nhân đã hướng dẫn chúng ta. Liên đoàn có thể chủ động huấn luyện thực tế không những chỉ các bộ môn này mà còn nhiều bộ môn khác nữa; cuối cùng Ban giám khảo cấp nào có thể cấp chuyên hiệu xác nhận cho mỗi bộ môn về hoạt động thanh niên! Nội những điểm này chúng ta khởi động theo chủ đề trại họp bạn hằng năm sẽ có biết bao nhiêu công việc trong một gia đình hay một Ban Hướng Dẫn. Mùa nước lũ vừa rồi quê tôi biết bao người chết đuối vì ở gần sông ngòi, thác suối mà lại không biết bơi; hoặc biết bơi mà không biết cứu người ra sao cho đúng.
Kỳ sau, có thể là hai năm nữa chúng ta sẽ quay lại chốn này với tất cả các hành trang cần thiết để băng rừng, leo núi, vượt thác, xuống đèo. Chúng ta sẽ liên lạc với nhau bằng khói khi đặt chân lên đất trại, ai cắm cờ Đoàn mình trên ngọn cây sao kia trước sẽ nắm quyền phân chia khu vực trại – Các góc canh sẽ liên lạc với nhau bằng đèn để tránh xao động rừng đêm. Tất cả các hoạt động trại ban ngày phải tuân theo một quy ước thị giác nhìn những màu cờ trên cao: Màu trắng bình yên; màu đen có giặc; màu đỏ bếp núc; SOS cấp cứu, cờ trắng đỏ là lệnh truyền tin… Trước khi thay đổi màu cờ là một tiếng tù và trầm dài để các chúng chú ý nhìn lên. Yêu cầu đội vào vai các bộ tộc H’mông hay Lạc Việt sẽ hóa trang toàn diện chứ không nên nửa sà rông dưới, nửa áo lam trên như chiều nay…
Xuyên suốt nội dung trò chơi lớn là câu chuyện về Phật Pháp, nếu nội dung không phải là chuyện Đạo thì quý anh chị phải trình bày để thuyết phục cho được Ban Quản Trại tinh thần Từ bi-Trí Tuệ- Dũng mãnh của đạo Phật thể hiện ở đâu trong câu chuyện đó để được sự đồng thuận. Vì khi ứng phó trong các tình huống, người Phật tử mới thể hiện được tinh thần Bi – Trí – Dũng đến đâu! Những câu chuyện không nêu bật được Đạo Tâm thì không phải là câu chuyện của Gia Đình Phật Tử nên làm.
Đêm nay, gió mùa Đông Bắc se lạnh chúng ta nên giữ bếp lửa cháy lâu, hai đầu nhọn của vầng trăng lưỡi liềm bên góc trời kia đang hướng về Đông hay Tây vậy! Nếu những điều căn bản về gió mùa, Trăng, sao, dòng nước… mà chúng ta chỉ biết sơ sơ hoặc không biết thì đời sống trại mạc thật chán, chính chúng ta còn chán thì trách sao các em không chán! Đêm nay chúng ta có thể đổi trao tâm sự xem ngày mai có thể băng ra thác suối kia, còn không thì cứ để trại sinh đi loanh quanh theo dấu đi đường, dịch mật thư mất nhiều thời gian cho đến khi tan hàng về lại. Cuộc chơi này hôm nay chúng ta có thể lòng vòng thất bại, nhưng nếu từ nền tảng này để đầu tư, cụ bị, sẵn sàng vươn tới. Cả hai phía, khả năng của ban tổ chức và những người tham dự đều phải ra công sức cao hơn, mới lạ hơn. Chắc chắn những cuộc trại tương lai chúng ta sẽ thành công.
Đức Quảng
Bài viết rất hay, rất có ý nghĩa. Xin Cám ơn anh Đức Quảng.
Trả lờiXóa